Tình trạng ô tô đậu trong hẻm nhỏ tại TP HCM đang gây ra nhiều xung đột và dẫn đến những vụ việc đáng tiếc. Ông V.V.T, 74 tuổi, ngụ TP HCM, cho biết gia đình ông đã 7 lần gửi đơn phản ánh đến lãnh đạo phường Hiệp Bình về tình trạng một chiếc ô tô 7 chỗ thường xuyên đậu trong hẻm 29 cả ngày lẫn đêm, kéo dài suốt gần 2 tháng kể từ giữa tháng 5-2025. Chiếc xe chiếm gần một nửa lòng hẻm nhỏ, gây cản trở nghiêm trọng đến việc đi lại của cư dân, đặc biệt lại đậu ngay trước cổng nhà ông.
Ghi nhận cho thấy ở con hẻm dân sinh này không có biển báo cấm dừng, đỗ xe. Do đó, rất khó để lực lượng chức năng xử lý hành vi đậu xe kéo dài, dù thực tế đã gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Nhiều trường hợp tương tự tại các khu dân cư cũng lâm vào thế khó, khi pháp luật chưa quy định cụ thể đối với việc đậu xe trong hẻm nhỏ gây cản trở giao thông hoặc tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, nhất là vào ban đêm hoặc khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.
Tại nhiều khu dân cư ở TP HCM, từ trung tâm đến ngoại thành, nhiều tuyến đường nội bộ hoặc hẻm liên khu đã trở thành bãi giữ xe tự phát. Cảnh ô tô nối đuôi đậu trong hẻm đã thành ‘đặc sản’. Trưa 16-7, phóng viên ghi nhận tại một số con hẻm nhỏ ở TP HCM, nhiều nơi đã trở thành ‘bãi đỗ xe bất đắc dĩ’. Từ hẻm 305 Nguyễn Trọng Tuyển đến hẻm 184 Đặng Văn Ngữ (phường Phú Nhuận)… từng đoạn đường chật hẹp phải ‘oằn mình’ gánh hàng dài ô tô nối đuôi đậu kín từ đầu đến cuối hẻm.
Bà Thanh, 65 tuổi, người dân phường Phú Nhuận, bày tỏ: ‘Tôi thấy bất tiện vô cùng. Xe người ta đậu tràn ra đường mà đường thì là của chung. Mỗi lần có xe khác rẽ vào là phải canh từng chút một, rất dễ va quẹt’. Theo bà, không chỉ gây phiền hà, việc đậu xe như vậy còn dễ bị trộm cắp, phá hoại mà chính chủ xe phải gánh hậu quả.
Thực tế cho thấy đi kèm với tình trạng trên là những xung đột âm ỉ, không hiếm khi bùng phát thành hành vi vi phạm pháp luật. Một vụ việc gây xôn xao gần đây là chiếc ô tô của anh N.V.S, 34 tuổi, bị xịt keo dán sắt khi đậu trong hẻm 209 đường Lý Thường Kiệt, phường Phú Thọ, TP HCM. Anh S. cho biết đã xin phép chủ nhà bên cạnh, khu vực đậu xe không có biển cấm, hẻm đủ rộng để xe lưu thông, thậm chí còn có biển ‘camera giám sát’. Nhưng sáng 15-6, chiếc xe của anh bị phá hoại nặng: kính dính keo, ron cao su bung, cửa phát tiếng ‘rộp rộp’ khi mở. Hậu quả là hóa đơn sửa chữa lên tới 81 triệu đồng.
Theo luật sư Nguyễn Văn Đông, Đoàn Luật sư TP HCM, việc đậu xe trong hẻm, nếu không có biển cấm hoặc văn bản cấm cụ thể, không gây cản trở giao thông thì hoàn toàn hợp pháp. Nếu ai đó vì bức xúc mà phá hoại xe thì hành vi này có dấu hiệu cấu thành tội ‘Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản’ theo điều 178 Bộ Luật Hình sự.
Từ quy hoạch đến công nghệ, để giảm xung đột quanh việc đậu xe trong hẻm, cần kết hợp đồng bộ các giải pháp. Về hạ tầng, chính quyền nên sớm quy hoạch thêm bãi giữ xe công cộng tại các khu dân cư đông đúc. Về quản lý, nên khuyến khích cộng đồng xây dựng quy ước đậu xe linh hoạt, hài hòa lợi ích chung. Đồng thời, ứng dụng công nghệ như đặt chỗ qua app, tính phí theo giờ sẽ giúp quản lý hiệu quả, phù hợp với đô thị hiện đại.