Ngày 18/7, tại Hà Nội, Viện Tư vấn phát triển (CODE) đã phối hợp với các đơn vị tổ chức ‘Diễn đàn Net Zero Việt Nam 2025: Thị trường carbon trong kỷ nguyên mới’. Diễn đàn này nhằm cập nhật xu hướng Net Zero trên thế giới cũng như hành trình Net Zero của Việt Nam thông qua các chuyển động chính sách, thể chế, hành động và các sáng kiến.
Việt Nam là một trong những quốc gia bị tác động nghiêm trọng nhất bởi biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (Hội nghị COP26), Việt Nam đã đưa ra cam kết sẽ đạt Net Zero vào năm 2050 với nhiều giải pháp lớn để cắt giảm phát thải trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, giao thông và năng lượng; bên cạnh đó chú trọng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời và các biện pháp để tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng.
TS Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển, cho rằng cam kết Net Zero hết sức cần thiết để một mặt giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thúc đẩy chuyển đổi sang phát triển xanh; mặt khác giúp Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút các nguồn lực đầu tư cho các mục tiêu phát triển.
‘Lộ trình đến Net Zero của Việt Nam không còn dài. 25 năm tới đây sẽ là một chặng đường đầy thách thức khi phải thực hiện nhiều mục tiêu kép, vừa nỗ lực giảm phát thải vừa nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng cao để vươn tới là quốc gia phát triển, có thu nhập cao. Hành trình này rất cần có sự chung tay mạnh mẽ của cả cộng đồng’, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.
Diễn đàn sẽ tập trung vào việc cập nhật xu hướng Net Zero trên thế giới cũng như Hành trình Net Zero của Việt Nam thông qua các chuyển động chính sách, thể chế, hành động và các sáng kiến, thực tiễn kinh tế, xã hội, môi trường, công nghệ.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng thảo luận về thị trường carbon, bao gồm việc xây dựng Nghị định về trao đổi quốc tế kết quả giảm phát chỉ cho các ngành đang cần thực hiện nghĩa vụ phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon. Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang xây dựng Nghị định về trao đổi quốc tế kết quả giảm phát chỉ cho các ngành đang cần thực hiện nghĩa vụ phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon.
Bộ Tài chính cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Nghị định về Sàn giao dịch carbon. Sàn giao dịch này sẽ tập trung quản lý và giao dịch các tín chỉ carbon trong nước theo tiêu chuẩn trong nước, đồng thời tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế.
Phân tích khuôn khổ pháp lý để phát triển bền vững tại Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thọ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết: Thị trường carbon tại Việt Nam đang trong giai đoạn định hình nền móng, với hành lang pháp lý bước đầu khá rõ ràng, các chủ thể liên quan đã bắt đầu tiếp cận và tham gia.
Tuy vậy, nhiều khoảng trống pháp lý vẫn cần được lấp đầy thông qua hệ thống hướng dẫn kỹ thuật chi tiết. Năng lực quản lý, giám sát và triển khai ở cấp địa phương và doanh nghiệp cần được tăng cường thông qua các chương trình đào tạo bài bản và cơ chế hỗ trợ chuyên môn. Mô hình sàn giao dịch carbon cần được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, bảo đảm tính công khai, minh bạch và hiệu quả giao dịch.