Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định Dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Dự thảo này nhằm siết chặt điều kiện đối với doanh nghiệp và ngân hàng muốn được cấp giấy phép sản xuất vàng miếng, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý thị trường vàng và đảm bảo các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này có đủ năng lực tài chính cũng như tuân thủ pháp luật.
Theo dự thảo, để được cấp giấy phép sản xuất vàng miếng, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện khắt ke. Cụ thể, doanh nghiệp muốn tham gia vào hoạt động sản xuất vàng miếng phải có vốn điều lệ từ 1.000 tỉ đồng trở lên. Đối với ngân hàng thương mại, vốn điều lệ yêu cầu là từ 50.000 tỉ đồng trở lên. Ngoài ra, cả doanh nghiệp và ngân hàng đều phải có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng được cấp bởi Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Hoạt động sản xuất vàng miếng, kinh doanh mua, bán vàng miếng và sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ hiện là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Các tổ chức muốn tham gia vào các hoạt động này phải được NHNN cấp giấy phép hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện. Dự thảo cũng quy định rõ rằng các tổ chức phải không bị xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động kinh doanh vàng hoặc đã thực hiện xong các biện pháp khắc phục hậu quả.
Riêng đối với doanh nghiệp sản xuất vàng miếng, ngoài các điều kiện chung, còn cần phải có quy trình nội bộ quy định về sản xuất vàng miếng. Về phía ngân hàng thương mại, bên cạnh việc đáp ứng điều kiện về vốn và giấy phép kinh doanh, cũng cần phải không vi phạm các quy định về hoạt động kinh doanh vàng.
Dự thảo cũng đề xuất NHNN sẽ xem xét cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ cho doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Điều này nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước phát triển ngành nghề sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, đồng thời góp phần phát triển thị trường vàng trong nước.
Việc siết chặt điều kiện đối với doanh nghiệp và ngân hàng khi tham gia vào hoạt động sản xuất vàng miếng và kinh doanh vàng được đánh giá là cần thiết để đảm bảo thị trường vàng phát triển lành mạnh và an toàn. Qua đó, các doanh nghiệp và ngân hàng có đủ năng lực tài chính và kinh nghiệm để nhanh chóng bắt tay vào hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng khi được cấp giấy phép. Điều này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả quản lý của nhà nước mà còn góp phần xây dựng một thị trường vàng minh bạch và ổn định.