Trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, việc Bưu điện Việt Nam (BĐVN) triển khai mô hình bưu điện xã là một bước đi chiến lược quan trọng. Với mạng lưới gần 13.000 điểm phục vụ phủ khắp cả nước, BĐVN đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn, cũng như hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế số, xã hội số toàn diện và bao trùm.

BĐVN là doanh nghiệp tiên phong trong triển khai mô hình tổ chức phù hợp với hệ thống chính quyền mới khi triển khai thiết lập đơn vị cấp xã – bưu điện xã. Đây là bước đột phá lớn về tổ chức và vận hành, thể hiện rõ vai trò ‘cánh tay nối dài’ của BĐVN đối với chính quyền địa phương trong việc bảo đảm các dịch vụ công, dịch vụ xã hội thiết yếu đến người dân.

Ông Nguyễn Trường Giang, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty BĐVN, cho biết: ‘Khác với các điểm phục vụ trước đây, bưu điện xã là đơn vị có cơ cấu tổ chức, nhân sự điều hành là Giám đốc bưu điện xã, cơ chế tài chính riêng và đặc biệt được thực hiện theo mô hình ‘Bưu điện xã tự chủ’ trong triển khai các hoạt động kinh doanh, tiếp thị khách hàng, khai thác thị trường trên địa bàn phụ trách’.

Mô hình bưu điện xã không chỉ đáp ứng nhu cầu cấp thiết về phát triển kinh doanh, mà còn là bước đi chiến lược của BĐVN trong giai đoạn mới, đòi hỏi sự hiện diện sâu rộng và linh hoạt của doanh nghiệp tại cơ sở. Bưu điện xã chính là ‘tiền đồn’, là một ‘hộ kế hoạch’ của bưu điện tỉnh, thành phố tại địa bàn, đóng vai trò như một đại diện của BĐVN tại cấp xã/phường.

Bên cạnh vai trò đảm nhận tổ chức kinh doanh, cung cấp các dịch vụ bưu chính, tài chính bưu chính, hành chính công, chi trả an sinh xã hội, hỗ trợ chuyển đổi số nông thôn, bưu điện xã còn là đầu mối làm việc trực tiếp với chính quyền địa phương, là cầu nối quan trọng trong việc triển khai chính sách, giải quyết các vấn đề dân sinh phát sinh tại cơ sở.
Từ ngày 1/7/2025, hơn 8.000 cán bộ, nhân viên bưu điện đã được huy động hỗ trợ tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả thủ tục hành chính tại UBND cấp xã sau điều chỉnh địa giới hành chính. Đây là mô hình hợp tác ‘công – doanh’ linh hoạt, giúp giảm tải công việc cho bộ máy hành chính cấp xã, nhất là tại những địa bàn còn thiếu nhân lực, nguồn lực, trong khi nhu cầu phục vụ người dân ngày càng cao.
Việc thành lập và phát triển mô hình bưu điện xã cho thấy tầm nhìn dài hạn của BĐVN trong việc thích ứng với bối cảnh quản trị địa phương mới. Từ chỗ là đơn vị cung cấp dịch vụ, bưu điện xã đang từng bước trở thành một phần của hệ thống phục vụ công – một ‘cánh tay nối dài tin cậy’ của chính quyền cơ sở.
Mô hình ‘Bưu điện xã tự chủ’ do BĐVN triển khai đã mở ra hướng đi mới trong tổ chức hoạt động tại cấp xã – chủ động, linh hoạt và hiệu quả hơn, cả về công ích lẫn kinh doanh. Giám đốc bưu điện xã được trao quyền tuyển dụng lao động thời vụ, quản lý tài chính, tổ chức khai thác thị trường và phát triển nhân sự tại chỗ. Cơ chế khoán doanh thu, sản lượng và lợi nhuận giúp thúc đẩy tinh thần tự chủ và khuyến khích sáng tạo trong cách làm.
Chính mô hình linh hoạt này đã thu hút sự quan tâm của lực lượng lao động trẻ có trình độ. Tại nhiều địa phương, không ít cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, thậm chí thạc sĩ, đã lựa chọn về làm việc tại chính quê hương mình. Từ chỗ là người thừa hành, cán bộ bưu điện xã giờ trở thành người tổ chức, điều hành hoạt động kinh doanh gắn bó mật thiết với người dân và chính quyền địa phương.
Cùng với việc tổ chức lại bộ máy, bưu điện xã được định hướng trở thành trung tâm dịch vụ đa chức năng tại cấp xã – nơi người dân có thể thực hiện các thủ tục hành chính công, thanh toán tài chính, gửi nhận hàng hóa, mua bán tiêu dùng thiết yếu, thanh toán bảo hiểm – điện – nước – viễn thông, và tiếp cận các nền tảng số của chính phủ và doanh nghiệp.
Với mạng lưới gần 13.000 điểm phục vụ phủ khắp cả nước, việc hình thành đơn vị cấp xã sẽ giúp BĐVN đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số quốc gia, góp phần thu hẹp khoảng cách số giữa thành thị – nông thôn, hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế số, xã hội số toàn diện và bao trùm.